Quy trình đo thính lực chính xác nhất

Trinh Po
Th 2 25/12/2023
Nội dung bài viết

Thính giác là một trong năm giác quan quan trọng của cơ thể người, tổn thương thính giác có thể dẫn đến tình trạng điếc nặng, điếc đặc hay điếc hoàn toàn. Đo thính lực đơn âm là một trong những phương pháp đo thính lực đơn giản và đưa ra kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên, để đưa ra kết quả chính xác nhất, bạn cần tìm hiểu rõ quy trình đo thính lực đơn âm chuẩn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến quy trình này! 

Đo thính lực đơn âm là gì? 

Phương pháp đo thính lực đơn âm, được biết đến với tên gọi Tiếng Anh là Pure Tone Audiometry (PTA), là một quy trình nhằm xác định ngưỡng âm thanh nhỏ nhất mà một người có thể nghe được, đồng thời đánh giá sự nhạy cảm của họ đối với các tần số âm thanh từ thấp đến cao. 

Đo thính lực đơn âm

Đo thính lực đơn âm

Kết quả của quá trình đo thính lực đơn âm được thể hiện qua biểu đồ, thường được gọi là thính lực đồ đơn âm (PTA: pure-tone audiogram). Kết quả của đo đạc này không chỉ thể hiện ngưỡng nghe ở mỗi tai mà còn cung cấp thông tin so sánh giữa đường truyền âm thanh qua xương và đường truyền qua không khí. Thông tin này giúp bác sĩ đánh giá những chỉ số cơ bản liên quan đến chức năng thính giác, từ đó hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán tình trạng tai của bệnh nhân.

Vai trò của đo thính lực đơn âm 

Theo thống kê, mỗi 1000 trẻ mới sinh, khoảng 3 trẻ sẽ phải đối mặt với vấn đề về thính giác, có thể là nghe kém ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Vì vậy, thay vì dành nhiều thời gian chờ đợi, đặt nghi vấn và lo lắng về khả năng thính lực của trẻ, việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên sâu để thực hiện đo thính lực đơn âm sẽ mang lại kết quả nhanh chóng và chính xác hơn.

Vai trò của của đo thính đơn âm gồm: 

  • Đánh giá ngưỡng nghe nhằm chẩn đoán mức độ mất thính lực và suy giảm thính lực.

  • Phân loại giữa nghe kém do dẫn truyền, nghe kém do tiếp nhận và nghe kém hỗn hợp.

  • Hướng dẫn phẫu thuật hoặc can thiệp để cải thiện hoặc bảo tồn chức năng thính lực.

  • Đánh giá hiệu quả của máy trợ thính hoặc phẫu thuật đối với cải thiện thính lực.

  • Sử dụng đo thính lực đơn âm để kiểm tra khả năng nghe.

Đối tượng chỉ định đo thính lực đơn âm 

Kiểm tra thính lực nên đưa vào các kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và xử lý sớm vấn đề thính lực, đặc biệt là đối với những người tiếp xúc với môi trường ồn ào. Điều này giúp duy trì chức năng thính lực và áp dụng biện pháp can thiệp kịp thời.

Đo thính lực đơn âm được yêu cầu khi bệnh nhân báo cáo dấu hiệu giảm thính lực, cũng như khi xuất hiện các triệu chứng tai như:

  • Có dấu hiệu ù tai.

  • Bị chóng mặt.

  • Tiếp xúc với âm thanh ồn ào trong thời gian dài.

  • Tiếp xúc với chất độc tai như ototoxicity.

Chú ý: Đo thính lực đơn âm không nên chỉ định cho trẻ quá nhỏ vì độ tuổi này khó hợp tác trong quá trình kiểm tra nên kết quả không được chính xác. 

Đối tượng chỉ định đo thính lực đơn âm

Đối tượng chỉ định đo thính lực đơn âm

Quy trình đo thính lực đơn âm 

Các bước đo thính lực đơn âm được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị và kiểm tra thiết bị đo. Trước khi thực hiện đo, test loa để đánh giá sơ bộ và xác định tai nghe tốt hơn của bệnh nhân, sau đó tiến hành đo trên tai đó trước.

Bước 2: Bệnh nhân được khám tai và lấy ráy tai (nếu cần). Máy trợ thính và các dụng cụ gây vướng khi lắp đặt thiết bị đo được tháo bỏ.

Bước 3: Hướng dẫn bệnh nhân ngồi yên, không giơ tay, không nói chuyện, và tạo môi trường yên tĩnh. Bệnh nhân đeo tai nghe hoặc tai nghe nút trong tai.

Bước 4: Thực hiện đo thính lực đơn âm theo cài đặt của máy, thực hiện từng bên tai một để đảm bảo kết quả chính xác nhất.

Bước 5: Đánh giá kết quả dựa trên thính lực đồ và các đánh giá chuyên môn.

Chú ý: Để đảm bảo đánh giá toàn diện và chính xác, quá trình đo thính lực cần được thực hiện trong môi trường phòng đo thính lực. 

Các cách đo thính lực đơn âm

Ngày nay, có 2 cách đo thính lực đơn âm phù hợp với từng nhóm tuổi khác nhau: Đo thính lực đơn âm khách quan (hay còn gọi là đo ASSR) và Đo thính lực đơn âm chủ quan. 

Đo thính lực đơn âm khách quan (hay còn gọi là đo ASSR)

  • Đối tượng: > 5 tuổi. 

  • Phép đo thường thực hiện khi trẻ đang ngủ sâu để đảm bảo yên tĩnh và kết quả chính xác. Môi trường được giữ yên tĩnh. Sử dụng âm thanh kiểu đơn âm để kích thích tai trẻ. Đầu điện cực được đặt lên trán và phía sau tai để ghi lại phản hồi thần kinh thính giác. Quy trình kéo dài khoảng 30-45 phút hoặc lâu hơn tùy theo trường hợp, được thực hiện nhẹ nhàng để tránh làm đau đớn cho trẻ.

Đo thính lực đơn âm chủ quan

  • Đối tượng: > 5 tuổi và người lớn 

  • Đo thính lực đơn âm chủ quan là phương pháp đo trong đó người bệnh đeo chụp tai và nghe các âm thanh đơn âm từ máy. Khi nghe thấy âm thanh, họ phản hồi bằng cách nhấn máy hoặc nói "có" hoặc "không" để thể hiện khả năng nhận diện âm thanh của mình. Kiểm tra bao gồm 8 tần số và mức cường độ khác nhau, kéo dài từ 10-30 phút, tùy thuộc vào sự hợp tác của người bệnh.

Cách đọc kết quả thính lực đơn âm 

Kết quả đo thính lực đơn âm được hiển thị trên thính lực đồ, với tần số và cường độ. Tần số được sắp xếp từ 125 đến 8000 Hz theo trục hoành, trong khi cường độ âm thanh sắp xếp theo trục tung từ 0 dB đến 120 dB. Sự suy giảm thính lực được xác định khi ngưỡng nghe dẫn truyền đường khí hoặc đường xương vượt quá 25 dB.

Kết quả đo thính lực đơn âm

Kết quả đo thính lực đơn âm

Mức độ mất thính lực của một người được đánh giá theo bảng sau: 

Mức độ mất thính giác 

Ngưỡng nghe

Biểu hiện

Bình thường 

0-25 dB

Bình thường 

Nghe kém nhẹ 

26 – 40 dB

Có thể nghe cuộc hội thoại trong môi trường yên tĩnh, nhưng gặp khó khăn khi ở trong môi trường ồn ào.

Nghe kém trung bình

41 – 55 dB

Có thể hiểu được cuộc hội thoại trong không gian yên tĩnh khi nói chuyện trực tiếp. Ngôn ngữ có thể bị hạn chế trong các chủ đề đã biết, và có thể bỏ lỡ tới 70% thông tin trong cuộc hội thoại.

Nghe kém trung bình - nặng 

56 – 70 dB

Phải cố gắng để nghe cuộc hội thoại bình thường trong phòng yên tĩnh và có thể bỏ lỡ hầu hết nội dung.

Nghe kém nặng 

71 – 90 dB

Chỉ có thể nghe thông tin khi nói lớn, có thể không nghe thấy mọi âm thanh.

Điếc 

90 dB trở đi 

Không thể nghe được cuộc hội thoại ngay cả với âm thanh lớn. Có thể cảm nhận lời nói dưới dạng rung động.

Dựa trên kết quả của quy trình đo thính lực đơn âm, bạn có thể đánh giá mức độ giảm thính lực của mình và từ đó xác định quy trình điều trị phù hợp. TravyCare sẽ đồng hành cùng bạn chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là về khía cạnh thính lực, để đảm bảo chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc của bạn không bị ảnh hưởng.

Nội dung bài viết
Thu gọn