Bệnh Điếc Nghề Nghiệp: Cách Phòng Tránh Hiệu Quả Nhất
Hoàng Thị Ngọc Bích
Th 4 22/11/2023
Nội dung bài viết
Bệnh điếc nghề nghiệp là một căn bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tai của những người làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về vấn đề này và đảm bảo bạn được trang bị đầy đủ thông tin để bảo vệ tai mình trong môi trường lao động. Hãy cùng Travycare tìm hiểu ngay.
Bệnh điếc nghề nghiệp là gì?
Bệnh điếc nghề nghiệp là gì?
Bệnh điếc nghề nghiệp là tình trạng chấn thương âm thanh ở tai do tiếng ồn môi trường lao động gây ra. Các mức độ tiếng ồn đạt đến mức gây hại và tác động lâu dài có thể gây tổn thương không thể khôi phục cho các tế bào thần kinh trong cơ quan thính giác.
Hiện nay, nguy cơ mắc bệnh điếc nghề nghiệp ở người lao động đang làm việc trong môi trường có tiếng ồn là rất cao. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 600 triệu người lao động trên toàn thế giới tiếp xúc với mức độ tiếng ồn nguy hại hàng ngày.
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tỷ lệ người khám bệnh điếc trên tổng số người đi khám bệnh nghề nghiệp là 41%. Trong số những người khám tổng quát, tỷ lệ người được chẩn đoán mắc bệnh điếc nghề nghiệp là 0,38%, chiếm gần 90% so với các bệnh nghề nghiệp khác. Bệnh này thường phổ biến hơn ở nam giới và độ tuổi thường gặp là từ 35 đến 45 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh điếc nghề nghiệp
Nguyên nhân gây bệnh điếc nghề nghiệp
Bệnh điếc nghề nghiệp có thể dẫn đến mất thính lực hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra bệnh điếc nghề nghiệp như:
Tiếp xúc với tiếng ồn quá mức: Đây là nguyên nhân chính gây bệnh điếc nghề nghiệp. Tiếng ồn quá mức có thể gây tổn thương thính giác, làm giảm khả năng nghe
Cường độ tiếng ồn: Tiếng ồn có cường độ cao sẽ gây tổn thương thính giác nhanh hơn tiếng ồn có cường độ thấp.
Thời gian tiếp xúc với tiếng ồn càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh điếc nghề nghiệp càng cao.
Một số loại tiếng ồn có thể gây tổn thương thính giác nhiều hơn các loại tiếng ồn khác như tiếng ồn la hét, tiếng máy móc, tiếng còi tàu,...
Tại sao bệnh điếc nghề nghiệp thường hay bị bỏ qua?
Bệnh điếc nghề nghiệp thường hay bị bỏ qua vì một số lý do sau đây:
Một số người không hiểu rõ về bệnh điếc nghề nghiệp và những nguy cơ tiếp xúc với tiếng ồn trong môi trường lao động.
Trong một số trường hợp, quy định về an toàn và tiếng ồn trong môi trường lao động có thể thiếu hoặc không được thực thi tốt. Điều này làm cho việc quản lý tiếng ồn và bảo vệ tai không được coi trọng và bị bỏ qua trong một số ngành công nghiệp.
Một số người lao động có thể không có tinh thần chủ động trong việc bảo vệ tai của mình. Họ có thể không đeo bảo hộ tai hoặc không tuân thủ các biện pháp an toàn khi làm việc trong môi trường có tiếng ồn.
Việc kiểm tra định kỳ sức khỏe tai không thực hiện đầy đủ và thường xuyên có thể dẫn đến việc bỏ qua việc phát hiện bệnh điếc nghề nghiệp.
Đa số những người tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên không nhận ra ngay tác hại của nó cho đến khi gặp vấn đề về thính giác. Việc bị bỏ qua cho đến khi có triệu chứng rõ ràng khiến việc chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn hơn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh điếc nghề nghiệp
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh điếc nghề nghiệp
Điếc nghề nghiệp cấp tính:
Triệu chứng: đau và chảy máu tai, chóng mặt, ù tai, nghe kém, điếc
Vị trí tổn thương: màng nhĩ, tai giữa
Tổn thương: tổn thương hai tai đồng đều hoặc không đồng đều, tùy thuộc vào hướng của nguồn ồn
Biểu đồ sức nghe: thể hiện điếc tiếp nhận hoặc hỗn hợp
Điếc nghề nghiệp mãn tính:
Triệu chứng: ù tai, nghe kém, khó khăn khi trao đổi công việc. Khi ngừng tiếp xúc với tiếng ồn, sức nghe không hồi phục nhưng cũng không tiến triển xấu hơn
Biểu đồ sức nghe: thể hiện một điếc tiếp âm, khuyết sức nghe ở tần số 3000Hz đến 6000Hz có đỉnh ở tần số 4000Hz.
Tổn thương có thể đối xứng ở cả hai tai hoặc không đối xứng, và tùy thuộc vào mức độ bệnh.
Cách phòng tránh bệnh điếc nghề nghiệp hiệu quả
Cách phòng tránh bệnh điếc nghề nghiệp hiệu quả
Để phòng tránh bệnh điếc nghề nghiệp hiệu quả, bạn có thể tham khảo những biện pháp dưới đây:
Sử dụng dụng cụ phòng hộ như loa che tai, nón che tai, nút bịt tai... Những dụng cụ này giúp giảm độ ồn từ 20-15dB, giúp giảm cường độ âm thanh và bảo vệ tai.
Giới hạn tiếp xúc với tiếng ồn lớn: Tránh làm việc liên tục trong môi trường có tiếng ồn lớn trong 8 tiếng.
Khám và điều trị kịp thời: Khi bạn phát hiện dấu hiệu như ù tai, nghe kém..., hãy tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời. Họ sẽ giúp bạn đánh giá tình trạng nghe và đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp.
Mắc bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn có được hưởng bảo hiểm xã hội không?
Theo khoản 18 Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT, danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm bao gồm bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn. Hướng dẫn chẩn đoán và giám định bệnh này được quy định tại Phụ lục 18 ban hành kèm theo Thông tư trên.
Như vậy, người lao động khi bị bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước.
Những người lao động này nên liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc nhà quản lý nhân sự để được hướng dẫn chi tiết về quy trình và điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội.
Lời kết
Bệnh điếc nghề nghiệp là một bệnh lý cần được quan tâm và chữa trị kịp thời. Travycare hy vọng với những thông tin trong bài viết, chúng ta có thể giảm thiểu tác động của tiếng ồn và bảo vệ sức khỏe tai của mình trong môi trường làm việc.